Trong hơn 50 năm qua, hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ở nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung đi vào nền nếp. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm theo kịp với các chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý kinh tế-xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Những thành tích nổi bật của hoạt động về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được thể hiện qua những kết quả như sau:
1) Xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc thống nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ 01/01/2007. Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 là hết sức cần thiết nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hoá thương mại, đồng thời, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định các nội dung theo các định hướng cơ bản sau đây:
– Thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
– Đổi mới toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, giản lược các cấp tiêu chuẩn, áp dụng linh hoạt chế độ tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng,… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo bước tiến rõ rệt về năng suất, chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ trong nước, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
– Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuậ. Kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được thực tiễn kiểm nghiệm và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.
Một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với các quy định đầy đủ, toàn diện và chi tiết về những nội dung cụ thể của hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang bảo đảm cho hoạt động này được triển khai một cách có hiệu lực và hiệu quả.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan được Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo của các văn bản nêu trên cũng như nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn và tổ chức việc thực hiện các quy định của các văn bản này.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng còn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông,… trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ quy định triển khai hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại các Bộ, ngành đó.
Các hoạt động phổ biến, hướng dẫn thực hiện hệ thống văn bản luật và quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang được thực hiện thường xuyên, rộng rãi tại các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức.
2) Phát triển và đổi mới hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam theo định hướng tăng cường hội nhập quốc tế
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là căn cứ pháp lý vững chắc để phát triển và đổi mới Hệ thống TCVN và Hệ thống QCVN.
a) Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)
Hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) tính từ khi công bố tiêu chuẩn đầu tiên vào năm 1962 đến nay đã công bố được trên 10.000 TCVN là cơ sở và chuẩn mực cho việc tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động quản lý. Hệ thống này thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý Nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ và quy định quốc tế. Hiện tại, Hệ thống TCVN bao gồm gần 6.400 TCVN hiện hành.
Hệ thống TCVN được định hướng phát triển theo hướng tăng cường mức độ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến. Hiện tại, mức độ hài hoà này đạt mức 48%, trong đó mức hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế đạt 43%.
Từ trước năm 1990 Hệ thống TCVN bao gồm phần lớn là các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng. Từ 1991 đến khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được banh hành, để phù hợp với cơ chế thị trường ở nước ta, Hệ thống TCVN đã có bước chuyển cơ bản từ tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng sang tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng, tuy nhiên những TCVN đối với đối tượng/vấn đề quan trọng như thực phẩm, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường…vẫn được quy định là bắt buộc áp dụng để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng… Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, TCVN là văn bản kỹ thuật được công bố để tự nguyện áp dụng và chỉ có các TCVN được viện dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật mới là văn bản bắt buộc áp dụng.
Song song với bước chuyển nêu trên, việc đổi mới phương thức biên soạn tiêu chuẩn cũng được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng của các tiêu chuẩn. Để thực hiện việc đổi mới phương thức này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã hình thành hơn 100 Ban kỹ thuật và gần 50 Tiểu ban kỹ thuật tập hợp gần 900 nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia đầu ngành tham gia xây dựng TCVN.
Nhiều chương trình tiêu chuẩn hoá (TCH) ở cấp nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được tiến hành. Các chương trình TCH cấp nhà nước và ngành là các chương trình có mục tiêu nhằm phục vụ tốt những mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong từng thời kỳ. Các chương trình tiêu chuẩn hoá cơ sở đã giúp cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phục vụ tốt cho các mục tiêu quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai hoạt động xây dựng, thẩm định và công bố TCVN từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN cho đến khâu xuất bản, phát hành, phổ biến áp dụng TCVN. Đặc biệt, toàn bộ các dự thảo TCVN được xây dựng hàng năm (trung bình khoảng 700-800 dự thảo/năm) đều được Tổng cục tổ chức thẩm định và lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
b) Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)
Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bắt buộc áp dụng được hình thành và phát triển trên cơ sở quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Vai trò của các QCVN ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trọng tâm của hoạt động thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ, tính mạng con người; và đó cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trước những nguy cơ tiềm ẩn. Do vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công sẽ chủ động tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng QCVN, tuy nhiên việc thẩm định dự thảo QCVN được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Khoa học và Công nghệ giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện công việc này.
Ngoài việc thực hiện trách nhiệm thẩm định dự thảo QCVN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng còn chủ động phối hợp tích cực với các Bộ, ngành trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng QCVN, hướng dẫn về kỹ thuật-nghiệp vụ, góp ý dự thảo QCVN và cử cán bộ tham gia các ban soạn thảo QCVN chuyên ngành.
Từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 250 QCVN được xây dựng, ban hành. 10 Bộ đã xây dựng, ban hành QCVN gồm: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.
3) Chuyển đổi các Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành thành Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia
Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Ngành (TCN) đã được ban hành theo Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1999 và theo luật, pháp lệnh khác phải được xem xét, chuyển đổi thành Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
Căn cứ quy định trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện:
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, chuyển đổi gần 5.000 Tiêu chuẩn Việt Nam (ban hành từ năm 2003 trở về trước) thành Tiêu chuẩn Quốc gia (đã hoàn thành trong năm 2008);
– Phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành thực hiện việc rà soát, chuyển đổi trên 3.000 TCN thành TCVN hoặc QCVN trước thời hạn ngày 31/12/2011 theo quy định của Nghị định số 67/2009/NĐ-CP.